Mỹ vẫn là quốc gia “tuồn” rác thải nhựa hàng đầu ra đại dương

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, Mỹ hóa ra lại là một trong những nguồn thải nhựa hàng đầu ra đại dương.

Rác thải nhựa ở mọi hình dạng và kích cỡ đang tràn ngập khắp các đại dương trên thế giới. Nó xuất hiện trên các bãi biển, trong bụng cá và thậm chí ở dưới các thềm băng ở Bắc Cực. Theo dữ liệu từ Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ tiết lộ, nước Mỹ vẫn là nguồn chủ yếu đưa rác thải nhựa ra đại dương hiện nay.

Mỹ vẫn là quốc gia “tuồn” rác thải nhựa hàng đầu ra đại dương - Ảnh 1.

Mỹ sản xuất phần lớn nguồn cung cấp hạt nhựa, nguyên liệu tiền thân của tất cả các sản phẩm công nghiệp và tiêu dùng bằng nhựa. Mỹ cũng nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm nhựa trị giá hàng tỷ đô la mỗi năm.

Tính trên cơ sở bình quân đầu người, Mỹ sản xuất lượng rác thải nhựa nhiều hơn Trung Quốc, quốc gia thường bị chỉ trích về các vấn đề liên quan đến ô nhiễm. Những phát hiện này dựa trên một nghiên cứu được công bố vào năm 2020 và đưa ra kết luận rằng, Mỹ là nguồn gây ra rác thải nhựa lớn nhất trên toàn cầu, bao gồm cả nhựa vận chuyển đến các quốc gia khác và sử dụng sai mục đích.

Chỉ có một phần nhỏ nhựa trong trong rác thải sinh hoạt ở Mỹ được tái chế. Nghiên cứu cho biết, các hệ thống tái chế hiện tại của nước Mỹ “hoàn toàn không đủ để xử lý sự đa dạng, phức tạp và lượng chất thải nhựa ngày càng tăng”.

Báo cáo này là bước khởi đầu quan trọng trên con đường giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương của con người. Điều quan trọng là phải làm rõ tác động của nước Mỹ đối với lượng rác thải nhựa đang hàng ngày đổ ra đại dương.

Nhựa xuất hiện trong hải sản

Các nhà nghiên cứu bắt đầu ghi nhận ô nhiễm nhựa trên biển vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970. Sự quan tâm của công chúng và khoa học về vấn đề này bùng nổ vào đầu những năm 2000 sau khi nhà hải dương học Charles Moore chú ý đến Great Pacific Garbage Patch, một vùng biển ở trung tâm phía bắc Thái Bình Dương, nơi các dòng hải lưu đưa rác nhựa từ nhiều vùng biển quy tụ về đây và tạo nên một dòng xoáy rác thải khổng lồ.

Nhiều mảnh nhựa hiện đã được tìm thấy ở Nam Thái Bình Dương, Bắc và Nam Đại Tây Dương, và Ấn Độ Dương. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhựa tràn ngập trong hệ sinh thái dưới đại dương, thậm chí là can thiệp cả vào chuỗi thức ăn.

Hơn 700 loài sinh vật biển được biết đã ăn phải nhựa, bao gồm hơn 200 loài cá mà con người đang ăn.

Mỹ vẫn là quốc gia “tuồn” rác thải nhựa hàng đầu ra đại dương - Ảnh 2.

Con người cũng có thể đưa nhựa vào trong cơ thể thông qua các mảnh nhựa từ đồ uống và bao bì thực phẩm hoặc hít phải các hạt vi nhựa trong bụi. Các nhà khoa học chỉ mới bắt đầu đánh giá ý nghĩa của chúng đối với sức khỏe cộng đồng.

Nghiên cứu cho đến nay chỉ ra việc tiếp xúc với các hóa chất liên quan đến nhựa gây cản trở các hormone điều chỉnh sự sống trong cơ thể chúng ta. Nó có thể gây ra các vấn đề phát triển ở trẻ em hoặc thay đổi quá trình trao đổi chất và làm gia tăng tình trạng béo phì.

Cần có chiến lược quốc gia

Báo cáo mới nhất đem tới một cái nhìn tổng thể về ô nhiễm nhựa ở biển. Tuy nhiên trước đây đã từng có rất nhiều đề xuất và khuyến nghị nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương. Đã có những chương trình giám sát các mảnh nhựa trên biển trên quy mô quốc gia do Cơ quan Khí quyển và Hải dương Quốc gia Mỹ (NOAA) khởi xướng.

Mỹ vẫn là quốc gia “tuồn” rác thải nhựa hàng đầu ra đại dương - Ảnh 3.

Mặc dù vậy các đề xuất và chương trình không đề cập đến các mục tiêu cần giám sát và cách thực hiện các mục tiêu cụ thể. Nếu như chính phủ liên bang có thể tạo ra một liên minh giữa các cơ quan như NOAA, Cơ quan Bảo vệ Môi trường và Viện Y tế Quốc gia Mỹ, nó sẽ tạo ra một vòng liên kết đủ chắc chắn để chống lại ô nhiễm nhựa hiệu quả hơn.

Trong quá khứ các cơ quan đã cùng nhau ứng phó trước các sự kiện ô nhiễm môi trường khẩn cấp như sự cố tràn dầu BP Deepwater Horizon hồi năm 2010 nhưng không phải đối với các vấn đề “kinh niên” như rác thải nhựa. Báo cáo cũng đề cập đến việc chính phủ các nước cần chung tay giải quyết vấn nạn này.

Vấn đề thiếu vốn

Các hoạt động phát hiện, theo dõi và xử lý rác thải nhựa đại dương sẽ cần một nguồn tài chính đủ lớn. Nhưng có rất ít nguồn tài trợ từ liên bang dành cho hoạt động dọn dẹp rác thải nhựa trên biển. Ví dụ vào năm 2020, yêu cầu ngân sách của chương trình Marine Debris Program do NOAA khởi xướng là 7 triệu USD, chiếm 0,1% trong ngân sách 5,65 tỷ USD của NOAA trong năm 2020. Kinh phí đề xuất cho chương trình này đã tăng thêm 9 triệu USD trong năm tài chính 2022 và đây là một bước đi đúng hướng.

Mặc dù vậy, để đạt được tiến bộ về việc xử lý rác thải nhựa đại dương sẽ đòi hỏi nhiều kinh phí hơn đáng kể cho nghiên cứu học thuật, các tổ chức phi chính phủ và các hoạt động xử lý rác thải biển. Việc tăng cường hỗ trợ cho các chương trình này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách kiến thức, nâng cao nhận thức của cộng đồng và thúc đẩy hành động hiệu quả trong toàn bộ vòng đời của nhựa.

Tham khảo Theconversation