Ngày 6/6, Bkav đã chính thức ra mắt bộ giải pháp Bkav SOC 2.0 (Security Operations Center), nhằm đảm bảo an ninh mạng toàn diện cho các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Bộ giải pháp này giúp giám sát và bảo vệ hệ thống mạng trước các mối đe dọa từ hacker và virus mã hóa tống tiền.
Theo đại diện của Bkav, tin tặc hiện nay sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các dòng virus máy tính nguy hiểm và khó lường, với hàng triệu mẫu virus mới xuất hiện mỗi ngày. Sự bùng nổ của các ứng dụng mạng xã hội và số lượng người dùng tăng cao khiến virus có thể lây lan nhanh chóng và rộng rãi, thậm chí xâm nhập vào cả máy quản trị mạng, điều hiếm khi xảy ra trước đây.
Bkav SOC 2.0 là một giải pháp tổng thể được thiết kế để bảo vệ toàn diện hệ thống mạng, bao gồm máy chủ, máy tính cá nhân và ứng dụng web. Giải pháp này cho phép giám sát mọi hành vi trong hệ thống, từ các máy tính trạm, máy chủ, thiết bị mạng cho đến các phần mềm, nhằm phát hiện những bất thường như sao chép dữ liệu hàng loạt, mã hóa… Trong trường hợp có một cuộc xâm nhập hoặc virus nằm vùng trong mạng, Bkav SOC 2.0 sẽ phát hiện ngay những bất thường và kịp thời ngăn chặn.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc Công ty phần mềm diệt virus Bkav Pro, cho biết: “Để xây dựng một giải pháp tổng thể phòng chống hacker và virus mã hóa tống tiền, các chuyên gia của Bkav đã dành nhiều năm nghiên cứu, phân tích các phương thức mà hacker sử dụng để xâm nhập vào hệ thống và các hành vi tấn công của virus.”
Ngoài ra, Bkav đã xây dựng thao trường an ninh mạng – Vietnam Cyber Range (VCR), một hệ thống mô phỏng thuộc Bkav SOC 2.0. VCR cho phép giả lập bất kỳ hệ thống thật nào trong thực tế, từ các hệ thống công nghệ thông tin như chính phủ điện tử, đô thị thông minh, đến các hệ thống chuyên ngành như điện lực, giao thông vận tải, tài chính… Hệ thống này đáp ứng mọi nhu cầu về một môi trường thực chiến, giúp các đơn vị có thể diễn tập như đang thực hiện với hệ thống thật của mình.
Bkav từng nhiều lần bị hacker tung dữ liệu
Về phía Bkav, dù hoạt động trong lĩnh vực bảo mật, tuy nhiên công ty này từng nhiều lần bị hacker đột nhập và tung dữ liệu. Một số vụ việc nổi bật và thu hút được sự quan tâm của công chúng có thể kể đến:
Ngày 03/02/2012: Website quét virus trực tuyến của Bkav bị hacker tấn công deface (thay đổi nội dung), để lại dòng thông báo “hacked :))”
Ngày 14/02/2012: Diễn đàn Bkav bị deface bởi một nhóm hacker ẩn danh. Nhóm hacker này sau đó đã đăng tải công khai những thông tin về cơ sở dữ liệu của diễn đàn Bkav.
Ngày 04/08/2021: Một hacker tuyên bố sở hữu nhiều dữ liệu của Bkav, trong đó bao gồm mã nguồn sản phẩm. Nhiều đoạn chat nội bộ của lãnh đạo Bkav cũng được hacker này đăng tải. Bkav cho biết mã nguồn này này xuất phát từ “nhân viên cũ đã nghỉ việc” và là các dữ liệu cũ. Một admin quản lý nhóm Bphone Fans Club và cũng là nhân viên Bkav phát ngôn rằng vụ việc này là “bình thường” và “không ai gọi là hack”. Hacker sau đó tiếp tục đăng tải video tấn công vào máy chủ được cho là của Bkav và chỉ ra một sai sót cơ bản.
Ngày 19/12/2021: Breport.vn, website để người dùng Bphone báo lỗi, bị một hacker tung dữ liệu người dùng bao gồm email, họ, tên và số điện thoại. Bkav nói đã “vô tình” để lộ dữ liệu của 200 khách hàng với lý do được đưa ra là do sai sót cấu hình hạ tầng đám mấy của Amazon.