Các nhà sinh vật học biển sâu gần đây đã vô cùng sửng sốt khi phát hiện nơi sinh sản có thể là lớn nhất từng được biết đến của một loài cá. Vị trí này nằm gần Nam Cực, các nhà nghiên cứu mô tả quần thể cá có đến hàng chục triệu con, trải dài trên đáy biển.
Quần thể cá băng (Neopagetopsis ionah) được phát hiện vào tháng 2 năm 2021 bởi camera trên tàu nghiên cứu Polarstern ở Biển Weddell, Nam Cực. Các nhà sinh vật học sau đó đã nghiên cứu chúng và công bố hôm 13/1/2022 trên tạp chí Current Biology.
Để tồn tại ở nhiệt độ thấp như vậy, chúng đã phát triển một loại protein chống đóng băng trong máu nhằm ngăn các tinh thể băng phát triển. Cá băng có hộp sọ nhìn xuyên thấu được và máu trong suốt. Chúng là động vật có xương sống duy nhất không có tế bào hồng cầu.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra quần thể này một cách tình cờ, khi một nhóm các nhà khoa học liên ngành đã có mặt để nghiên cứu sự chuyển động của carbon đại dương và các tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái địa phương, cùng các mục tiêu khác. Trong quá trình đó, họ bắt gặp một tổ cá, rồi tổ khác, rồi lại tổ khác, chúng dường như trải dài bất tận.
Autun Purser, một nhà sinh vật học biển sâu tại Trung tâm Nghiên cứu Hải dương và Địa cực Alfred Wegener Helmholtz cho biết: “Mọi nơi đều có cá. Trước đây, người ta chỉ tìm thấy một vài tổ hoặc cá thể trong khu vực. Điều này cũng giống như việc tìm thấy mỏ vàng sau nhiều năm chỉ kiếm được vài mảnh nhỏ”.
“Chúng tôi thấy hết tổ này tới tổ khác trong suốt 4 giờ liền. Trong thời gian đó, chúng tôi đã khảo sát được 6 km đáy biển”, Purser nói.
Mỗi tổ cá băng có đường kính khoảng 75 cm, sâu 15 cm, trung bình 3 m2 có một tổ. Tổng cộng, họ đếm được hơn 100.000 tổ bằng sóng siêu âm, khoảng 16.000 tổ trong số đó được ghi lại trong ảnh và video. Họ tin rằng tổng diện tích của bãi làm tổ là khoảng 240 km vuông và ước tính số lượng tổ thực sự có thể lên tới 60 triệu tổ.
Nhiều tổ cá chứa hàng nghìn quả trứng và thường được bảo vệ bởi một con cá băng trưởng thành, trong khi những tổ khác bị bỏ trống. Các nhà nghiên cứu cũng nhìn thấy một số cá chết trong tổ.
Cá băng con sống bằng cách ăn tảo, động vật nhỏ lẩn trốn những kẻ săn mồi. Nếu băng tan do hiện tượng nóng lên toàn cầu, vòng đời của chúng sẽ bị ảnh hưởng.
Tất nhiên, Nam Cực đang dần tan chảy và đề xuất biến Biển Weddell trở thành khu bảo tồn biển đã được các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu và các quốc gia khác ủng hộ kể từ năm 2016.
Nhóm của Purser dự định quay lại vào tháng 4 để scan toàn bộ đáy biển về phía bắc của quần thể này. Với quy mô bất ngờ của khu sinh sản, họ tin rằng có thể sẽ còn nhiều khám phá thú vị hơn ở vùng biển này.
Tham khảo: Gizmodo