Trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra bộ phim dài 100 phút

Theo TS Lương Minh Thắng, dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn cho phép kết nối các ký tự, 5 năm tới trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra một bộ phim dài 100 phút.

Thông tin được TS Thắng, chuyên gia trí tuệ nhân tạo tại Google Brain nói tại tọa đàm do VietAI tổ chức tại TP HCM, ngày 17/8. Ông cho biết, LLM (Large Language Model) là mô hình ngôn ngữ được đào tạo bằng cách sử dụng các kỹ thuật học sâu trên tập dữ liệu văn bản khổng lồ. Các mô hình này có khả năng tạo văn bản tương tự như con người và thực hiện các tác vụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên khác nhau.

Chia sẻ với VnExpress, TS Thắng cho hay, để tạo ra bộ phim, mô hình LLM có thể biến các tấm hình thành những chuỗi ký tự tương tự ngôn ngữ, được hiểu là một dạng ngôn ngữ hình ảnh. Với một tấm ảnh lớn, máy tính có thể xử lý thành cả nghìn ký tự khác nhau. Từ đó, AI sẽ tạo ra một chuỗi những tấm hình khác nhau với những ký tự có thể kết nối với nhau để tạo thành một bộ phim. “AI đang tiến rất nhanh, thậm chí đôi khi mình không thể hiểu hết năng lực của nó”, TS Thắng nói.

Ông minh họa thêm, các mô hình mới đây của Google là Gemini model được cho là những sản phẩm cạnh tranh Chat GPT4. Những mô hình của Google có khả năng học cả văn bản lẫn hình ảnh, nên có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực chatbot, y học…

TS Lương Minh Thắng chia sẻ xu thế phát triển trí tuệ nhân tạo trong 5 năm tới tại tọa đàm. Ảnh: Hà An

TS Lương Minh Thắng chia sẻ xu thế phát triển trí tuệ nhân tạo trong 5 năm tới tại tọa đàm. Ảnh: Hà An

Theo TS Thắng, sự phát triển nhanh các mô hình AI đòi hỏi các nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp lĩnh vực này tại Việt Nam muốn theo đuổi cần có đội ngũ nhân lực trình độ cao. Thậm chí những người không phải chuyên môn AI cũng có thể dạy họ kiến thức cơ bản để có các ý tưởng từ mô hình trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra, với nguồn lực hạn chế về hệ thống tính toán, các nhóm khởi nghiệp cần linh hoạt tận dụng các nền tảng, nguồn dữ liệu đã có để sáng tạo những giải pháp mới và có thể kinh doanh từ sản phẩm tạo ra. “AI có thể đang nóng trong giai đoạn ngắn ở một khu vực nào đó, nhưng tôi tin rằng nó sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn”, TS Thắng nói.

Chuyên gia chia sẻ góc nhìn về phát triển AI tại Việt Nam và thế giới. Ảnh: Hà An

Chuyên gia chia sẻ góc nhìn về phát triển AI tại Việt Nam và thế giới. Ảnh: Hà An

Ở góc nhìn khác, ông Quang Nguyễn, chuyên gia khởi nghiệp, cho rằng trí tuệ con người từ lâu đã được luật hóa để kiểm soát các hành vi tiêu cực, gây ảnh hưởng cho xã hội. Tuy nhiên với sự phát triển mạnh của AI như hiện nay, theo nhiều cách khác nhau, trong một mặt nào đó lại chưa được luật hóa. Ông dẫn mô hình của OpenAI từng được các nước châu Âu, Mỹ đặt ra định hướng luật hóa, quy định việc sử dụng. Theo đó, ngành công nghiệp AI và các doanh nghiệp lớn cần có những ứng xử phù hợp theo các quy định về luật pháp hay đạo đức trong việc sử dụng các công cụ này.